Bệnh Newcastle ở gà là một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp đối với các loại gia cầm. Bệnh Newcastle còn có tên gọi khác là bệnh dịch tả gà hay bệnh gà rù. Bệnh này có mức độ nguy hiểm rất lớn, dễ lây lan và tỷ lệ chết rất cao gây thiệt hại, nguy hiểm trong ngành chăn nuôi. Bệnh Newcastle do một loại virus thuộc nhóm Paramyxo gây ra đối với các lứa tuổi ở gà. Sau đây chúng tôi sẽ giới thiệu chi tiết cho các bạn về kiến thức phòng và điều trị bệnh Newcastle ở gà.
Mục lục
Nguyên nhân, con đường lây bệnh Newcastle
Nguyên nhân: Là bệnh do virus nhóm Paramyxo gây ra ở tất cả các lứa tuổi và tất cả các giống gà. Tỉ lệ lây lan cao có thể lên đến 100% đàn gà và cũng có tỉ lệ chết cao. Bệnh Newcastle còn xảy ra cả trên bồ câu, vịt, gà tây, gà sao, chim cút, ngan…
Con đường lây lan: Lây lan trực tiếp qua tiếp xúc như qua người, chuột, chim trời mang virus. Qua không khí, qua thức ăn, nước uống, từ gà bệnh sang gà khỏe với tốc độ lây lan rất nhanh.
Virus Newcastle có thể tồn tại thời gian dài (năm này qua năm khác) ở điều khiện môi trường mát, nhưng cũng dễ bị diệt bởi các thuốc sát trùng thông dụng.
Triệu chứng và bệnh tích bệnh Newcastle ở gà
Triệu chứng bệnh

Thời gian ủ bệnh của bệnh Newcastle từ 5-12 ngày nhưng thường thường là 5 ngày. Bệnh được chia làm 3 thể là quá cấp tính, cấp tính và mãn tính. Với mỗi thể thì có một triệu trứng khác nhau.
Thể quá cấp tính: Gà ủ rũ và chết sau vài giờ, bệnh tiến triển rất nhanh; khó nhận ra triệu trứng của bệnh. Thường xảy ra vào đầu ổ dịch
Thể cấp tính: Ở thể cấp tính các biểu hiện, triệu trứng của bệnh rõ ràng hơn. Cụ thể như sau:
- Gà sốt cao, ủ rũ, giảm ăn nhưng uống nước nhiều, sốt cao từ 42 – 43 độ C. Kèm với sốt cao là hiện tượng khó thở, ho, hắt hơi, sổ mũi.
- Kiểm tra mào và yếm sẽ thấy tím bầm, ở mũi chảy ra chất nhầy.
- Gà bị rối loạn tiêu hóa nên ăn không tiêu, trướng diều, khi dốc ngược gà lên sẽ thấy có nước mùi chua khắm chảy ra do thức ăn lên men.
- Vài ngày sau từ khi phát bệnh gà bị tiêu chảy phân trắng xanh, trắng xám hoặc nâu sẫm. Xuất huyết niêm mạc hậu môn những tia đỏ.
- Đối với gà đẻ sẽ ngừng hoặc giảm sản lượng trứng sau khi bị mắc bệnh 7-21 ngày.
- Tỉ lệ chết cao từ 40-80%
Thể mãn tính: Nếu xảy ổ dịch kéo dài sẽ chuyển thành thể mã tính. Gà bị thần kinh, đầu ngoẹo, cổ còng, quay vòng tròn, mổ trượt thức ăn.
Bệnh tích bệnh
Khi mổ gà chết để kiểm tra thấy xuất huyết các cơ quan như tiêu hóa và hô. Dạ dày tuyến xuất huyết ở đỉnh lỗ tuyến. Ruột viêm loét, nỏi gồ hình cúc áo. Trực tràng, hậu môn xuất huyết. Thanh khí quản xuất huyết, phổi viêm túi khí đục.
Chẩn đoán bệnh Newcastle ở gà

Chẩn đoán sơ bộ bệnh Newcastle ở gà dựa vào tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chết; cũng như bệnh tích đặc trưng của bệnh. Nhưng để chẩn đoán chính xác thì không thể dựa vào mỗi chẩn đoán lâm sàng; mà cần mổ khám xem bệnh tích mà cần kết hợp với chẩn đoán cận lâm sàng để đưa kết luận bệnh.
Chẩn đoán lâm sàng
Dựa vào tỷ lệ bệnh, tỷ lệ chết của bệnh Newcastle ở gà. Bệnh lây lan mạnh, cảm thụ với mọi lứa tuổi, triệu chứng rối loạn hô hấp, tiêu hóa, thần kinh. Trên gà đẻ cần xem thêm tỷ lệ đẻ, chất lượng trứng,..
Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh Newcastle với một số bệnh sau:
Đối với bệnh Xoắn trùng (spyrochetosis) và phó thương hàn
Bệnh không có các triệu chứng hô hấp và thần kinh như ở Newcastle. Lách của 2 bệnh luôn luôn sưng to, gan trong nhiều ca bệnh có các nốt hoại tử li ti trắng ngà; khi xét nghiêm thấy Spyrochetis trong máu.
Đối với bệnh Viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT)
Bệnh phát ra chậm chạp ở gà 5-12 tuần tuổi, tỷ lệ chết không cao; không có các triệu chứng và biến đổi hệ thần kinh cũng như đường tiêu hóa. Bệnh tích đặc trưng của ILT là khí quản xuất huyết có máu đỏ.
Đối với bệnh Viêm khí quản truyền nhiễm (IB)
Ở gà con đến 1 tháng tuổi, gà bị viêm khí quản truyền nhiễm không có những dấu hiệu viêm loét và xuất huyết đường ruột, không có các triệu chứng thần kinh như Newcastle.
Ở gà đẻ: tuy giảm đẻ nhưng gà trông vẫn khỏe mạnh bình thường, vỏ trứng xù xì, dị dạng. Ở bệnh Newcastle, việc giảm đẻ thậm chí ngừng đẻ hoặc đẻ nhiều trứng non, trứng vỏ lụa, dễ dập, dễ vỡ gắn liền với các biểu hiện và quá trình diễn biến bệnh.
Đối với bệnh đậu gà, thiếu vitamin E, thiếu vitamin A
Đều có màng giả vùng họng như một số trường hợp gà bị Newcastle. Những bệnh này ko có triệu chứng thần kinh và bệnh tích ở đường tiêu hóa như ở Newcastle.
Đối với bệnh cúm gà
Các triệu chứng và biểu hiện của bệnh lý giữa 2 bệnh rất giống nhau. Cúm gà khác với Newcastle ở chỗ mào tích sưng phù nề, xuất huyết dưới da chân, xuất huyết mỡ bụng, mỡ tim, mỡ màng treo ruột, xuất huyết cơ đùi, cơ ngực, cơ tim và có biến đổi ở túi Fabricius.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Các mẫu bệnh phẩm cần lấy như: Não, phổi, khí quản, dạ dày tuyến, hạch manh tràng. Các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng có thể dùng:
- Phản ứng huyết thanh học: phát hiện kháng nguyên và kháng thể.
- Tìm kháng nguyên: Phản ứng miễn dịch huỳnh quang, trung hòa, HA, HI, ELISA.
- Tìm kháng thể: phản ứng HI, trung hòa, ELISA.
- Phân lập vi-rút trên phôi trứng hay nuôi cấy trên môi trường nguyên bào sợi phôi gà,…
- Phương pháp PCR cho kết quả nhanh chống hơn.
- Ngoài ra còn có phương pháp kiểm tra mô bệnh học bằng cách lấy mẫu các cơ quan có bệnh tích sau: Nảo, phổi, khí quản, dạ dày tuyến, túi Bursa, ngã ba vang hồi manh tràng và lách.
Phòng và trị bệnh Newcastle ở gà
Bệnh Newcatle ở gà không có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu; mà chủ yếu là thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế bệnh dịch bùng phát. Trong trường hợp bệnh bùng phát thì sẽ kết hợp bổ sung các chất điện giải, vitamin C; và sử dụng các kháng thể để điều trị.
Cách phòng bệnh Newcastle
Sử dụng vacxin của Công ty thuốc thú y TW II sản xuất, lịch chủng ngừa như sau:
– Vaccine Newcastle hệ 2 dùng nhỏ mắt mũi cho gà lúc 3 ngày tuổi
– Tiếp tục dùng vaccine Newcastle hệ 2 nhỏ mắt tiếp cho gà lúc 21 ngày tuổi
– Phòng lần 3 bằng vaccine Newcastle hệ 1, tiêm dưới da cho gà khi được 2 tháng tuổi
Hoặc có thể sử dụng Vacxin Lasota với lịch như sau:
– Sử dụng lasota (lần 1) lúc 1 ngày tuổi bằng cách nhỏ mắt mũi. Lasota lần 2 lúc 25 ngày tuổi, nhỏ mắt mũi.
– Tiêm vacxin Newcastle hệ I cho gà 45 ngày tuổi hoặc dùng vacxin vô hoạt nhũ dầu.
Có thể dùng vacxin nhập ngoại: Restos, sotasec (pháp), Imopest (mỹ),
Lưu ý: không tiêm thêm các kháng thể vacxin virus khác nhau sau khi chủng ngừa Newcastle từ 5 – 7 ngày. Chỉ dùng vacxin cho đàn khỏe mạnh
– Thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc sát trùng định kỳ trong khu chăn nuôi; và bên ngoài khu chăn nuôi theo lịch và đúng nguyên tắc và quy trình phun thuốc sát trùng
Phương pháp điều trị bệnh Newcastle

Như đã nói ở trên bệnh Newcastle ở gà không có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu; mà sử dụng kháng thể Gumboro do Hanvet sản xuất và bổ sung các vitamin, các chất điện giải. Cụ thể như sau
– Sử dụng kháng thể Gumboro do Hanvet sản xuất với liều lượng 1ml-2ml cho gà dưới 500g-1000g. Lặp lại khi gà khỏi bệnh 5 ngày.
– Bổ sung các chất điện giải, Vitamin B,C. Pha vào nước cho gà uống
– Có thể kết hợp thêm các thuốc kháng sinh phổ rộng; như Genta-costrim, Tylo-50, Ampi – Septol, Neotestol, K.C.N.D, Colidox – plus.
Lưu ý: Mỗi một địa phương sẽ có nhiều hãng thuốc phân phối khác nhau; vì vậy nếu bà con không tìm được tên các loại thuốc như trong bài viết có thể ra các trạm thú y mua các loại thuốc có tính năng tương tự.
Trên đây là bài viết tìm hiểu về cách phòng và điều trị bệnh Newcastle ở gà (hay bệnh tả gà, bệnh gà rù); là một trong những bệnh thường gặp ở gà. Bà con theo dõi chuyên mục chăn nuôi gà; để cập nhật nhưng thông tin hữu ích về kỹ thuật chăn nuôi gà.