Khi nuôi lợn con, người chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn khi lợn mắc các chứng bệnh nguy hiểm và thường gặp, làm ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả kinh tế. Đặc biệt vào thời điểm thay đổi thời tiết hoặc môi trường bị ô nhiễm. Nếu chúng ta không biết tiêu độc khử trùng thì đây là nguyên nhân chính gây bệnh cho lợn, dễ xảy ra bệnh tiêu chảy và phân trắng ở lợn con. Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ cho các bạn về cách phòng chống và điều trị đối với bệnh phân trắng xảy ra ở lợn.
Mục lục
Nguyên nhân
– Do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa từ môi trường chăn nuôi(Có thể là do E.Coli)
– Do điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột(nhiệt độ cao quá hoặc giảm đột ngột khiến lợn bị nhiễm lạnh), các chất thải của chăn nuôi khiến môi trường và nền chuồng ẩm ướt, có mùi hôi nồng(Khí NH3, H2S).
– Do thức ăn, nước uống cho lợn mẹ không đảm bảo vệ sinh đặc biệt quá trình bảo quản thức ăn không tốt làm cho thức ăn bị nấm mốc sinh độc tố Aflatoxin hoặc đôi khi do thay đổi đột ngột loại thức ăn của lợn mẹ.
Bệnh mắc ở lợn con từ 2-3 giờ sau khi sinh ra đến 21 ngày tuổi.
Triệu chứng bệnh
Lợn kém bú, rồi bỏ hẳn, ủ rũ, đi đứng siêu vẹo. Lợn đi ỉa, da khô nhăn nheo, đầu to bụng hóp, lợn gầy sút rất nhanh, hậu môn thường dính bết phân. Niêm mạc mắt nhợt nhạt, 4 chân lạnh, thở nhanh. Lợn rặn rất nhiều khi ỉa. Màu phân lúc đầu trắng sữa sau đó chuyển sang trắng đục, có mùi tanh, khắm đặc trưng. Phân dính nhiều vào đít, vào khoeo.
Bệnh tích
– Dạ dày giãn rộng, đường bề cong lớn bị chảy máu (xuất huyết).
– Dạ dày chứa đầy sữa đông vón không tiêu.
– Ruột non chứa đầy hơi, xuất huyết từng đoạn.
Cách điều trị bệnh phân trắng ở lợn
Để điều trị bệnh phân trắng cho lợn, chúng ta tiến hành như sau:
– Cho lợn uống nước sắc của các lá, quả chát như hồng xiêm, lá ổi, búp sim,…
– Dùng các chế phẩm sinh học để tăng cường tiêu hóa hấp thu: như Complex-subtilit, hoặc bột subtilit.
– Bổ sung các nguyên tố vi lượng: bằng các chế phẩm Premix.
– Dùng các thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn bội nhiễm như: Colistin, Flumyquil, Neomycin, Antidia.
– Kết hợp cho lợn uống đường gluco, chất điện giải, Sobiton… chống mất nước, tăng cường sức đề kháng cho lợn con.
Biện pháp phòng bệnh phân trắng cho lợn con
– Với bệnh phân trắng lợn con thì yếu tố nhiệt độ rất quan trọng. Ngay sau khi sinh, cần cho lợn con vào ô úm ở nhiệt độ 32-34oC, duy trì nhiệt độ như vậy trong 2-3 ngày, sau đó giảm dần nhiệt độ đến 25-28oC từ ngày thứ 8 đến khi cai sữa.
– Phòng bệnh bằng vệ sinh dinh dưỡng: chăm sóc, nuôi dưỡng lợn mẹ, lợn con tốt. Cần chú ý khâu thức ăn cho mẹ phải tốt cả về số lượng và chất lượng, không nên thay đổi thức ăn của lợn mẹ trong quá trình đang cho lợn con bú sữa. Thực hiện tốt 3 khâu: chống lạnh, chống ẩm và chống bẩn; chuồng trại thoáng mát mùa hè, ấm mùa đông …
– Tập cho lợn con ăn sớm với thức ăn có chất lượng cao, tiêm sắt cho lợn con.
– Phòng bằng vắc xin cho cả lợn mẹ và con: Tiêm cho lợn mẹ 1 -2 tuần trước khi đẻ. Tiêm cho lợn con vào ngày tuổi thứ 14.