Bệnh sán lá gan là một căn bệnh thường gặp đối với trâu bò, căn bệnh này do các loại ký sinh trùng gây nên và làm cho trâu, bò ốm yếu, chậm lớn. Bệnh sán lá gan thường xảy ra với tất cả các lứa tuổi và trong mọi thời điểm quanh năm. Nguy hiểm hơn là sán lá gan có thể lây từ động vật qua người qua đường ăn uống, do đó người chăn nuôi cần có biện pháp chăm sóc cẩn thận và phòng bệnh để ngăn ngừa sán lá gan không xảy ra đối với gia súc. Dưới đây là những kiến thức chi tiết về bệnh sán lá gan ở bò.
Mục lục
Nguyên nhân và con đường lây bệnh sán lá gan
Bệnh sán lá gan là một trong những bệnh ký sinh trùng gây hại trên gia súc; do 2 loài Fasciola gigantica và Fasciola hepatica gây nên. Bệnh xảy ra ở hầu hết các loài gia súc và có thể lây sang người qua đường ăn uống.
Sán lá gan trưởng thành đẻ trứng theo phân ra ngoài; và phát triển thành ấu trùng ký sinh ở loài ốc nước ngọt (ốc Limnea – loại ốc nhỏ bằng hạt đậu bám trên cây cỏ thủy sinh). Khi gia súc ăn phải rau cỏ có ốc Limnea, ấu trùng sẽ đi vào trong cơ thể; xuyên qua thành ruột vào mạch máu, đến gan và phát triển thành sán trưởng thành.
Đặc điểm dịch tễ
Bệnh xảy ra ở tất cả các loài nhai lại. Trâu, bò bị nhiễm bệnh nặng hơn và ở mọi lứa tuổi. Tỷ lệ trâu, bò nhiễm bệnh ở miền núi khoảng 30 – 35 %, vùng đồng bằng khoảng 40 – 70 %. Bê, nghé non bị bội nhiễm sẽ phát bệnh ở thể cấp tính. Với điều kiện khí hậu ở nước ta, bệnh có thể xảy ra quanh năm. Hầu hết tất cả các trâu, bò nhập nội đều mắc bệnh sán lá gan, kể cả bò sữa.
Trâu, bò nhiễm sán lá gan khi gặp điều kiện không thuận lợi; như: làm việc nặng, thiếu thức ăn thô xanh, thời tiết lạnh vào vụ Đông – Xuân; sẽ dễ phát bệnh và người chăn nuôi thường nhầm lẫn là bệnh truyền nhiễm.
Triệu chứng bệnh
– Thể mãn tính: Gia súc bị bệnh có cơ thể gày còm, suy nhược, thiếu máu; bị tiêu chảy kéo dài làm cho chúng mất dần khả năng cày kéo và khả năng sinh sản.
– Thể cấp tính: Gia súc bị bệnh bỏ ăn, chướng hơi dạ cỏ; sau đó tiêu chảy dữ dội, phân loãng màu xám, có mùi tanh. Sau vài ngày mắc bệnh, chúng nằm bệt, không đi được và chết do mất nước, kiệt sức. Thể bệnh này thường gặp ở bê nghé dưới 6 tháng tuổi; do bị nhiễm thứ phát các vi khuẩn gây bệnh có sẵn trong dạ dày và ruột như Salmonella, E.coli,……
Bệnh lý bệnh sán lá gan
Sán non trong quá trình di hành làm tổn thương mô gan, viêm gan nhiễm khuẩn; gây hiện tượng viêm túi mật, tắc ống dẫn mật, tổn thương niêm mạc ruột non. Sán lá trưởng thành sống trong các ống dẫn mật, thường xuyên kích thích niêm mạc ống mật; mật bị ứ lại thấm vào máu gây chứng hoàng đản. Ngoài việc gây tổn thương gan, sán trưởng thành hút chất dinh dưỡng, hút máu trâu, bò để lớn; đồng thời tiết độc tố gây rối loạn tiêu hóa, viêm ruột, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe trâu, bò; và dẫn đến tử vong do kiệt sức.
Phòng và trị bệnh sán lá gan
Thuốc phòng và điều trị:
Định kỳ tẩy sán lá gan 2 lần/năm cho toàn đàn gia súc; sử dụng một trong các loại thuốc sau:
– Vime- ONO: Cho uống hoặc trộn vào thức ăn với liều lượng:
+ Trâu, bò: 1 gam/15-20 kg thể trọng, gói 25 gam dùng cho 370-500kg thể trọng. Nếu trâu, bò từ 500 kg trở lên cho uống 1 liều 25 gam/con.
+ Dê, cừu: 1 gam/10-15kg thể trọng, gói 25 gam dùng cho 250-375kg thể trọng.
* Chú ý: Không dùng cho gia súc già và gia súc đang mang thai, tránh để gia súc ra ngoài nắng sau khi uống thuốc.
– Vime – Facsi: Tiêm dưới da với liều lượng:
+ Trâu, bò: 1 ml/30-35kg thể trọng
+ Dê, cừu, thỏ: 1 ml/15-20kg thể trọng, không tiêm quá 10 ml cho 1 vị trí tiêm
*Chú ý: Đối với gia súc lấy sữa, phải ngừng sử dụng sữa trước 28 ngày sau khi tiêm.
Thực hiện các biện pháp vệ sinh phòng bệnh:
– Ủ phân để diệt trứng và ấu trùng giun sán.
– Diệt ký chủ trung gian: Dùng sulfat đồng (CuSO4) nồng độ 3 – 4‰ phun trên đồng cỏ và cây thủy sinh để diệt các loài ốc Limnea; cắt đứt giai đoạn phát triển của sán lá ở thời kỳ ấu trùng.
– Khi cắt cỏ cho gia súc ăn, không cắt phần chìm trong nước.
– Không chăn thả gia súc tại các vùng đầm lầy, khu vực đọng nước.