Những biện pháp chăn nuôi sinh học luôn được chào đón bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích. Những sản phẩm từ phương pháp này đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế xuất hiện và lây lan dịch kèm theo đó là chất lượng lợn được tăng cao hơn. Tuy nhiên, không phải cứ áp dụng là sẽ thành công, người chăn nuôi cần phải xây dựng một hệ thống lớn để phát triển nghề nuôi lợn theo hướng tập trung. Hiện nay khi mà dịch tả Châu Phi quay trở lại và hoành hành ngoài áp dụng thông thường còn cần thực hiện các biện pháp an toàn nghiêm ngặt, giảm thiểu tối đa tác động từ dịch đến đàn.
Mục lục
Vì sao nên áp dụng chăn nuôi sinh học?
Thực tế, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học đem đến nhiều lợi ích rõ rệt. Giảm tỷ lệ dịch bệnh do có những biện pháp xử lý chuồng trại, thú y, thức ăn, vệ sinh môi trường. Từ đó hạn chế sử dụng kháng sinh, giúp bảo đảm sức khỏe đàn vật nuôi. An toàn vệ sinh thực phẩm và tăng thu nhập cho người nuôi. Tuy nhiên, hiện nay chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ, chiếm 65% tổng đàn lợn. Nguyên nhân là với phương pháp chăn nuôi truyền thống, các hộ tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, đất đai, công lao động nhàn rỗi. Song cũng vì thế mà tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao.
Những lưu ý trong chuẩn bị chuồng trại
– Vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, sử dụng vôi bột hoặc thuốc khử trùng, tiêu độc chuồng trại trước khi đưa lợn vào nuôi;
– Trang bị lưới bao xung quanh chuồng nuôi nhằm ngăn chặn côn trùng và vật chủ trung gian khác truyền bệnh (chuột, chim, ruồi, muỗi…);
– Lối ra vào chuồng nuôi phải bố trí hố sát trùng. Phải bổ sung hoặc định kỳ thay chất sát trùng tại các hố. Định kỳ phun thuốc sát trùng xung quanh khu chăn nuôi, chuồng nuôi ít nhất 2 lần/tuần;
– Thay bảo hộ lao động, ủng cho người ra, vào khu vực chăn nuôi;
– Có ô chuồng nuôi cách ly để nuôi lợn mới nhập.
Lựa chọn con giống tốt
– Lợn đưa vào nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng, khoẻ mạnh. Đối với lợn nhập từ ngoài tỉnh phải có Giấy kiểm dịch và đã được tiêm phòng đầy đủ;
– Nuôi cách ly ít nhất 2 tuần trước khi nhập đàn.
Nguồn thức ăn và nước uống đạt chuẩn
– Thức ăn sạch, không nấm mốc. Thức ăn theo đúng từng lứa tuổi lợn
– Kiểm tra nguồn nước để đảm bảo là nước sạch (đặc biệt ở vùng hạn mặn). Thường xuyên kiểm tra hệ thống vòi uống nước.
– Bổ sung thêm các vi-ta-min, chế phẩm sinh học trong thức ăn để tăng khả năng tiêu hóa, sức đề kháng cho lợn.
Quy trình chăm sóc
– Áp dụng phương thức quản lý “cùng vào – cùng ra” theo thứ tự ưu tiên: dãy chuồng, ô chuồng.
– Có quy trình chăn nuôi phù hợp với từng loại lợn theo các giai đoạn sinh trưởng, phát triển của lợn
– Tiêm phòng đầy đủ các loại vac xin bệnh tả, tai xanh, …;
– Có thể áp dụng phương thức nuôi khô, sử dụng chế phẩm sinh học trong chất độn chuồng, đệm lót cho lợn;
– Vệ sinh máng ăn, máng uống hàng ngày; không để cám lưu trong máng ăn.
– Thiết bị, dụng cụ và phương tiện phục vụ trong chăn nuôi phải được tiêu độc khử trùng thường xuyên.
– Phương tiện vận chuyển trước và sau khi vào chuồng nuôi phải được khử trùng, tiêu độc. Đặc biệt, không để phương tiện vận chuyển của thương lái, phương tiện vận chuyển thức ăn đến khu vực nuôi lợn. Phương tiện vận chuyển phải dừng ở bên ngoài để vệ sinh, sát trùng, tiêu độc. Nên sử dụng xe nội bộ của trại, chuồng để vận chuyển.
– Thực hiện ghi chép và lưu giữ nhật ký chăn nuôi.