Chướng hơi dạ cỏ thường là căn bệnh khá phổ biến ở các loài động vật nhai lại. Tuy căn bệnh này không hề ác tính nhưng nếu không điều trị kịp thời thì nó có thể khiến động vật bị ngạt thở và dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi chăn nuôi bò, chúng ta cần phải lưu ý những dấu hiệu của căn bệnh này để có thể kịp thời cứu chữa cho bò nuôi. Đặc biệt, mọi người phải biết được những nguyên nhân dẫn đến bệnh này, từ đó có thể rút ra những kinh nghiệm phòng bệnh cho bò. Dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ cho mọi người một số thông tin, nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị bệnh chướng hơi dạ cỏ ở bò nuôi.
Mục lục
Bệnh chướng hơi dạ cỏ
Chướng hơi dạ cỏ là một bệnh hay xảy ra với trâu bò. Đặc điểm là trong dạ cỏ tích lại nhiều hơi vượt quá khả năng ợ hơi của vật, dễ dẫn đến ngạt thở và chết rất nhanh. Bệnh xảy ra nhiều vào mùa đông xuân khi lượng thức ăn xanh khan hiếm. Chướng hơi dạ cỏ khiến bụng trâu bò phềnh to ra. Nó chèn ép vào các cơ quan khác và rất dễ làm gia súc tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Cùng chúng tôi tìm hiểu các thông tin liên quan đến căn bệnh chướng hơi dạ cỏ ở trâu bò để đưa ra các xử lý kịp thời trước khi gây hậu quả nghiêm trọng trên đàn gia súc.
Tại sao bò lại mắc chướng hơi dạ cỏ?
Do trâu bò ăn phải những thức ăn dễ lên men, sinh hơi. Đặc biệt về mùa Xuân chúng ăn nhiều cỏ xanh, cỏ non có chứa nhiều nước, chất nhầy. Những thức ăn có chứa nhiều gluxit như bã mía, cặn đường, thân cây ngô, ngọn mía. Thức ăn có nhiều chất nhầy như dây khoai lang, có nhiều protit thực vật như bã đậu. Thức ăn bị mất phẩm chất bị mốc như lúa ngập nước, cỏ ủ.
Bò ăn phải cây có độc như lá sắn, lá xoan, măng tre, các dạng thức ăn có chứa muối nitrit bên trong như cây bắp cải trắng, lá lim. Do chăn thả, lao động vào lúc giá rét. Thời tiết có nhiều sương muối, kế phát từ cảm nắng, bị què, bại liệt. Điều đó khiến bò ốm lâu ngày vật không đi lại, nằm lì một chỗ. Kế phát từ bệnh liệt dạ cỏ, dạ cỏ bội thực, tắc thực quản, viêm họng làm vật không ợ được hơi, viêm màng bụng.
Các dấu hiệu của bệnh
Thành bụng phía bên trái phát triển rất nhanh từng phút, từng giờ. Các biểu hiện của triệu chứng điển hình:
Gia súc có biểu hiện đau đớn, đi lại khó khăn. Hai chân trước dạng ra để thở. Khi sờ, nắn vùng dạ cỏ thấy bụng căng tròn như quả bóng. Lõm hông trái căng to, cao hơn cột sống, khi gõ có âm trống. Nghe vùng dạ cỏ lúc đầu nhu động dạ cỏ tăng. Sau lại giảm rồi mất hẳn. Chỉ còn nghe được tiếng nổ lép bép của bọt khí. Nghe vùng ruột thấy nhu động ruột giảm, làm gia súc táo bón. Vật bỏ ăn, bỏ nhai lại, không ợ hơi, vật thở khó, niêm mạc mắt, mũi, hậu môn xung huyết, sau đỏ tím tái. Tim đập nhanh, tĩnh mạch cổ phình to. Vật bí đái, lòi dom, máu chảy ra ở hậu môn.
Phương pháp điều trị bệnh chướng hơi dạ cỏ ở bò
Tìm mọi cách làm thoát hơi trong dạ cỏ bò
- Cho vật nhịn ăn 1-2 ngày, sau đó cho ăn rơm, cỏ khô, không cho ăn thức ăn dễ lên men sinh hơi.
- Cho gia súc đứng đầu cao thân thấp sau đó mở miệng kéo lưỡi theo nhịp thở.
- Xát bột bồ kết vào cuống lưỡi để kích thích sự ợ hơi.
- Dùng tổ kiến hoặc quả bồ kết đốt xông khói để kích thích con vật hắt hơi.
- Cho uống MgSO4 với liều lượng 50-100 g/con để phá vỡ bọt khí.
- Thải trừ các chất chứa trong dạ cỏ bằng các thuốc tẩy, cho uống 300-500 g MgSO4 hay Na2SO4 100gr/con, hoà trong 2 lít nước.
- Móc phân ở trực tràng, kích thích nhu động dạ cỏ.
- Tất cả các biện pháp trên không được ta phải chọc TROCAR hoặc dùng kim tiêm dạ cỏ để tháo hơi trong dạ cỏ ra ngoài. Chú ý cho hơi ra từ từ để tránh gia súc bị sốc chết do giảm đột ngột áp lực máu ở não.
Ức chế sự lên men sinh hơi
Dùng các thuốc ức chế sự lên men sinh hơi: Ichthyol 20-25 g/con; Formol 10-15 ml và NH4OH 15ml/con; rượu tỏi (50 gam tỏi bóc vỏ giã nát hoà trong 50ml rượu và cho thêm 0,5 lít nước để cho con vật uống); cho uống nước lá thị sắc 500-1000ml; nước dưa chua 500ml…). Trợ sức, trợ lực bằng cách dùng Cafein hay Glucoza để tiêm cho vật nuôi.