Nuôi sò huyết bằng mô hình kết hợp đang là một xu hướng và nó thực sự hiệu quả. Không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà việc nuôi sò huyết kết hợp ao nuôi tôm sú thuận tiện cho người dân hơn trong việc chăm sóc. Khi lựa chọn nuôi theo hình thức này cần áp dụng một số kỹ thuật và phương pháp nuôi sò huyết đúng cách. Quan trọng nhất là bước khử khuẩn ao, có rất nhiều cách chúng ta có thể áp dụng những phương pháp khử khuẩn bằng vôi CaO vừa tiết kiệm lại hữu hiệu. Các bạn hãy theo dõi các phương pháp khử khuẩn, chọn lựa giống, chuẩn bị thức ăn … cho sò huyết ở bài viết sau đây nhé.
Mục lục
Nuôi sò huyết kết hợp với ao nuôi tôm
Mô hình nuôi sò huyết trong ao nuôi tôm sú được đánh giá là bền vững, chi phí thấp, hiệu quả cao. Bà con đang gặp nhiều khó khăn do vấn đề dịch bệnh trên tôm sú; tuy nhiên có thể áp dụng và nhân rộng mô hình này để mang lại hiệu quả kinh tế. Để nâng cao năng suất sò huyết trong mô hình cho vụ nuôi năm 2021 và những năm tiếp theo; người nuôi cần chú ý một số giải pháp:
- Theo dõi diễn biến thời tiết cũng như lịch thời vụ thả giống sò huyết hàng năm.
- Cải tạo ao nuôi đảm bảo các yếu tố: ao nuôi không bị rò rỉ nước và mực nước tối thiểu trong ao nên dao động từ 60-80 cm tính từ mặt trảng để tránh tình trạng dao động nhiệt độ giữa sáng và chiều chênh lệch quá cao. Chủ động cung cấp nước cho các ao nuôi, với diện tích nuôi 10.000 m2, người nuôi cần thiết kế 1 ao chứa nước mặn diện tích khoảng 1.000 m2 (độ mặn từ 15‰– 30‰).
- Áp dụng hình thức nuôi sò huyết kết hợp tôm sú trong ao tôm QCCT theo hướng khép kín, sử dụng vi sinh, công nghệ sinh học Bồ đề và bổ sung thức ăn công nghiệp.
Phương pháp khử khuẩn ao nuôi
Chuẩn bị nước ao nuôi đảm bảo độ mặn 20 – 30‰. Trước khi lấy nước vào ao, người nuôi nên rải vôi CaO với liều lượng 50-70 kg/10002. Lượng vôi CaO này có thể diệt ấu trùng gây hại, mầm rong và ổn định độ kiềm, pH… T
Trước khi thả sò giống 5 ngày người nuôi cần phải gây màu nước để tạo thức ăn tự nhiên cho sò huyết. Có thể gây theo công thức: 2 lít sản phẩm Công nghệ sinh học Bồ Đề/1000 m3 nước, kết hợp ủ vi sinh, mật đường và cám ủ (2 kg cám/1000m3) trong 24 giờ. Sau đó xử lý lúc 8-9 giờ. Có thể xử lý 1-2 lần đến khi tảo trong ao nuôi phát triển tốt.
Để sò huyết không bị sốc và chết (chỉ bổ sung nước từ ao chứa sang ao nuôi khi cần thiết). Nước ao nuôi có màu vàng nhạt hoặc xanh vỏ đậu. Độ trong phải đạt dưới 15 cm là đạt yêu cầu và đảm bảo nguồn thức ăn cho sò huyết.
Phương pháp chọn sò giống
Người nuôi nên chọn giống tại những bãi sò giống của địa phương, có uy tín. Nên chọn sò giống có kích cỡ khoảng 800-1000 con/kg. Với ao nuôi có diện tích 2.000 m2 khuyến cáo người nuôi nên thả khoảng 150 – 200 kg sò giống.
Phương pháp dùng tay và mắt, mũi để nhận biết được giống sò tốt là cách thông dụng mà người nuôi giàu kinh nghiệm truyền lại. Bạn nên ngửi sò giống xem có mùi lạ hay không, dùng tay gõ lên con giống để biết chúng có khỏe mạnh và tươi hay không? Nếu chúng khép miệng lại nhanh thì những con sò đó còn mới và tươi.
Nếu người nuôi chọn được con giống tốt thì chắc chắn năng suất sò huyết trong ao nuôi tôm sú sẽ cao hơn. Qua đó giúp người dân chăn nuôi có thể vươn lên làm giàu tại chính quê hương mình.
Vận chuyển sò giống đến ao nuôi
Lưu ý thời gian vận chuyển giống không quá 5 giờ. Trong quá trình vận chuyển giống, tránh nước mưa rơi vào trong sò huyết. Trước khi thả giống nên lấy nước ngoài ao nuôi rắc đều trên sò huyết giống và để khoảng 60 phút để sò huyết thích nghi với môi trường ao nuôi, cân bằng nhiệt độ.
Khi thả sò huyết cần rải đều và nhẹ. Sau khi thả giống sò huyết từ 4-5 giờ cần xuống ao mò sò giống xem sò vùi xuống chưa. Nếu sò huyết đã vùi cho thấy sò huyết đã thích nghi tốt với môi trường ao nuôi.
Chuẩn bị thức ăn định kỳ cho sò
- Định kỳ 7 ngày sử dụng 2 kg thức ăn công nghiệp số 0 của tôm sú. Pha đều lượng thức ăn rồi tạt khắp ruộng để cho sò huyết ăn. Sau khi sử dụng thức ăn công nghiệp 3 – 4 ngày tiến hành ủ vi sinh với; 3 kg cám + 3 kg mật đường (ủ 24 giờ). Nên xử lý lúc 8 giờ sáng (liều lượng trên dành cho vuông nuôi sò huyết có diện tích 2.000 m2).
- Định kỳ 7-10 ngày, sử dụng 2 lít sản phẩm công nghệ sinh học Bồ Đề/2000 m2. Lượng sản phẩm này nhằm cung cấp khoáng chất có lợi cho sò huyết. Đồng thời có thể ổn định pH, tái tạo dinh dưỡng môi trường, cung cấp oxy đáy vuông…
- Định kỳ 15 ngày/lần sử dụng Yucca kết hợp với Zeoline theo liều lượng quy định; 1 lít Yucca + 20 kg Zeoline/2.000 m2. Việc này nhằm để hạn chế sự ô nhiễm hữu cơ trong ao nuôi và sự phát triển của rong đáy, rong nhớt.
- Định kỳ 3-5 ngày nên kiểm tra sò huyết một lần. Kiểm tra độ kiềm, độ pH, khí độc NO2… Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao trên 38 độ C khiến sò có nguy cơ chết. Do đó nên sử dụng 5 kg vitamin C tạt cho ao 2.000 m2 lúc 15 giờ.