Phương pháp cắt mắt để ép cua cái đẻ thường được áp dụng để nhân giống cua chất lượng nhất. Trước khi tiến hành nhân giống cua thì người nuôi phải trải qua các quy trình như: chọn giống, chuẩn bị chuồng nuôi, nguồn thức ăn cho cua …. Nên chọn những con cua cái đã giao vĩ để nhân giống bởi vì đây là những con cua có tuyến sinh dục phát triển. Việc chuẩn bị bể nuôi phù hợp cũng giúp cho quá trình sinh sản của cua diễn ra suôn sẻ hơn. Chú ý nguồn điện, nước và thức ăn cho cua phải đầy đủ để tránh tình trạng cua bị chết.
Mục lục
Chọn cua cái đã giao vĩ để nuôi vỗ
Cua thường sống ở các vùng rừng ngập nước lợ. Trước mùa sinh sản di cư ra vùng biển ven bờ, lột xác tiền giao vĩ. Cua cái tiến hành giao vĩ và tuyến sinh dục tiếp tục phát triển cho đến lúc trứng chín, đẻ trứng, ấp trứng phôi, ấu trứng nở ra khỏi vỏ trứng rời cua mẹ. Ấu trùng zoea bơi lội tự do trong nước biển. Trải qua 4 – 5 lần lột xác thành ấu trùng Megalops vừa sống bơi lội trong nước vừa có thể bám vào các cá thể trong nước. Chúng theo dòng thủy triều vào gần vùng ngập ven bờ, lột xác lần cuối cùng biến thành cua lột.
Vừa rồi là quá trình sinh sản tự nhiên của cua. Còn nếu chúng ta nhân giống cua để nuôi thì có thể tuyển chọn cua cái đã giao vĩ, lên gạch hoặc cua cái so (cua yếm vuông) nuôi chung với cua đực đã thành thục sinh dục. Phương pháp này giúp cua cái dễ lột xác, giao vĩ, lên gạch đẻ trứng.
Mùa sinh sản của cua vào khoảng tháng 8, tháng 9. Trước mùa sinh sản, cua cái đã giao vĩ có tuyến sinh dục phát triển thường đánh bắt được ở vùng cửa sông, vùng biển ven bờ. Chọn những con cua cái lên gạch tốt, khỏe mạnh, còn nguyên càng, chân bò, chân bơi… để nuôi vỗ. Tốt nhất là chọn những con cua vừa đánh bắt được; chuyển về ao hoặc các bể xi măng để nuôi vỗ. Những con cua cái như vậy thường có trọng lượng từ 250-800g.
Nuôi cua cái trong bể xi măng
Bể xi măng có diện tích từ 4 đến 30m2, cao 1,3m. Hình dạng của bể nuôi có thể hình vuông, hình chữ nhật, hình tròn có mái che toàn bộ hoặc một phần. Đáy bể rải một lớp cát dày 3-5cm, sắp một số gạch để làm chỗ ẩn cho cua; đáy có van xả để thay nước. Mực nước trong bể từ 0,7 đến 1m, có hệ thống sục khí. Có thể nuôi chung hoặc chia ô để nuôi riêng từng con. Mật độ 2 con/m3. Nuôi trong bể xi măng dễ chăm sóc quản lý nhưng phải có điện và cấp nước chủ động. Thường thì số lượng cua nuôi theo hình thức này không quá nhiều.
Chuẩn bị nguồn thức ăn cho cua đẻ
Thức ăn của cua rất đa dạng. Cua thích ăn động vật: Cá, tôm, các loại nhuyễn thể (nghêu, sò, vẹm…) và một số thực vật thủy sinh. Số lượng thức ăn mỗi lần từ 2-5% trọng lượng cua, tùy theo chất lượng thức ăn.
Đối với cua đẻ, chỉ cho ăn cá tạp 2 lần/tuần. Thường cho cua ăn vào buổi chiều tối, cua sẽ tìm mồi ăn về đêm. Buổi sáng kiểm tra nếu còn thức ăn thừa thì vớt bỏ đi. Định kỳ mỗi ngày thay nước một lần, mỗi lần thay 100% nước. Không nên để cua đói, vì khi đói chúng sẽ ăn thịt lẫn nhau.
Phương pháp cắt mắt để ép đẻ
Nếu áp dụng phương pháp cắt mắt để ép đẻ thì có thể tiến hành trước lúc thả cua vào bể nuôi. Dùng lưỡi dao lam sắc đã sát trùng cắt một đường vào giữa con mắt. Sau đó, dùng tay bóp mạnh hoặc kẹp bóp hết dịch ở mắt ra. Bước tiếp theo là sát trùng vết cắt để cua nhanh lành.
Cần theo dõi kỹ các yếu tố của môi trường nước. Cua chuẩn bị sinh sản cần được nuôi trong nước biển có độ mặn từ 25 đến 32‰, độ pH từ 7,5 đến 8,5, hàm lượng ôxy hoà tan không dưới 5mg/l, nhiệt độ nước từ 27 đến 30 độ C, không để nước bị nhiễm bẩn hữu cơ và vô cơ. Cần thay nước trong ao nuôi, trong bể: Mỗi ngày thay 20 đến 30% nước, một tuần nên thay nước toàn bộ và vệ sinh bể, đáy ao. Cua nuôi trong bể xi măng nên sục khí nhẹ.