Hiện nay, một số nơi trong tỉnh đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lóc thương phẩm (phổ biến nhất là nuôi cá lóc bằng bạt). Cá mang lại nguồn thu nhập ổn định và đáng kể cho người dân, nhưng quy trình nuôi cá còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, dịch bệnh cũng diễn ra rất nhanh trên các vùng nông nghiệp nuôi trồng thủy sản, ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế của người chăn nuôi. Để góp phần giảm thiểu rủi ro và dịch bệnh, chúng tôi xin giới thiệu cách phòng trị một số bệnh thường gặp trên cá lóc giúp cho bà con có biện pháp xử lý kịp thời.
Mục lục
Biện pháp phòng bệnh cho cá lóc
Phòng bệnh cho cá sẽ quyết định đến sự thành bại của vụ nuôi nên người nuôi cần phải luôn đề cao công tác “phòng bệnh hơn chữa bệnh” bằng các biện pháp sau:
Tẩy dọn kỹ ao nuôi: vét bùn, tạt vôi 7 – 10kg cho 100m2 diện tích và phơi đáy ao.
Trước khi thả giống và trong quá trình nuôi định kỳ 15 ngày cần xử lý nước nuôi bằng các chế phẩm sinh học như EMC 1 lít cho 1.000 – 1.500m3 nước hoặc BioPower (dạng bột) với 1kg cho 3000 – 5000m3nước để tạo màu nước tốt khi thả giống.
Giống trước khi thả cần tắm qua muối ăn với tỷ lệ 200 – 300g cho 100 lít nước.
Xen kẽ dùng chế phẩm sinh học thì những tháng mưa nhiều cần tạt vôi bột 2kg cho 100m3 nước ao nuôi/tuần.
Bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá nuôi.
Cho ăn thức ăn đảm bảo chất lượng không bị ôi thiu, ẩm mốc. Cần cho cá ăn đúng thời gian, địa điểm và khẩu phần ăn từng ngày.
Thường xuyên theo dõi hoạt động của cá để xử lý khi thấy cá bất thường.
Một số bệnh thường gặp và cách chữa trị cho cá lóc khi bị bệnh
Bệnh lở loét đốm đỏ
* Dấu hiệu bệnh :
– Cá ít ăn hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, da sậm xuất hiện những vết loét màu đỏ, khi bị nặng các vết loét ăn sâu đến xương, thịt thối và cá chết.
* Trị bệnh
– Dùng lá xoan khoảng 30kg /100m2 diện tích ao, lá xoan được bó thành từng bó dìm xuống ao.
– Dùng cây nghể răm 15 – 20kg cho 100m2 diện tích ao.
– Dùng Vicato 1kg cho 2.500 – 3.000m3 nước ao.
– Dùng Doxycyline 2g/100kg cá/ngày và cho ăn 5 – 7 ngày liên tục.
Bệnh trắng da ở cá lóc (cá quả)
* Triệu chứng:
– Đuôi cá xuất hiện vết trắng lan dần về phía đầu, cá mất nhớt, bong da vây.
* Trị bệnh :
– Dùng Vicato để xử lý sạch nước ao với liều lượng 1kgcho 2.500 – 3.000m3 nước ao.
– Bắt cá bệnh lên tắm thuốc Tetracycline 20 – 25g cho 1m3 nước, thời gian tắm trong 10 – 15 phút .
Bệnh nấm thuỷ mi
* Dấu hiệu bệnh :
Trên da xuất hiện những vùng trắng xám, trên đó có sợi nấm nhỏ, mềm, tua tủa như túm bông. Sau vài ngày sợi nấm phát triển đan chéo vào nhau thành túi trắng như bông có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
* Trị bệnh:
– Dùng Xanh methylen 2-3g/m3, liên tục tạt xuống ao 2-3 lần/tuần .
– Dùng thuốc tím 2-5 ppm tắm cho cá trong khoảng 10 phút.
– Dùng Biodine 1 lít cho 8.000 – 10.000m3 nước.
Bệnh do sán lá đơn chủ: Ký sinh ở mang và da
* Dấu hiệu bệnh:
Mang bị viêm và sưng to, các tia mang bị đứt rời, mang tiết ra nhiều nhớt làm cho cá nghẹt thở và chết, cá thường nổi đầu và tập trung nơi có dòng nước chảy.
* Trị bệnh :
– Dùng đồng sun phát (phèn xanh) 500 – 700g cho 1.000m3 nước hoặc dùng BKC85% từ 10 – 20ml cho 1m3 nước.
Bệnh trùng mỏ neo
* Dấu hiệu bệnh :
Trùng mỏ neo thường ký sinh ở da, mang, vây, mắt… của cá. Khi nhiễm bệnh cá kém ăn, gầy dần, xung quanh chỗ trùng bám bị viêm và xuất huyết. Bị bệnh trùng mỏ neo ký sinh là yếu tố đầu tiên dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn .
* Trịbệnh:
– Dùng lá xoan bó thành bó hoặc băm nhỏ thả xuống ao với liều lượng 30 – 50 kg/1.000m2 diện tích ao.
– Tắm cho cá bằng thuốc tím 10-25ppm trong 1 giờ.
Bệnh xuất huyết
– Nguyên nhân: Do các loại vi khuẩn như Aeromonas hydrophila, Streptococcus spp., … gây ra
– Triệu chứng: Cá bơi lội không bình thường, da chuyển sang màu sẫm, xuất hiện từng mảng đỏ trên thân, đuôi, vây và một số chỗ trên thân bị hoại tử, mắt mờ đục, sưng phù và có thể bị mù, cơ thể bị tuột nhớt. Gan, thận và lách bị sưng to, hoại tử.
– Cách điều trị:
• Xử lý nước bằng IODINE hoặc BRONOTA. Dùng YUCCA hoặc DN BIOCACBON chống tress, sau đó dung BIOCLEAR xử lý phân bả dưới đáy ao.
• Cho ăn: CIPGOCEN, GENCEN, PLODOXIN, DOXY 30 + AMOX 30