Cá rô phi được nuôi phổ biến ở hầu hết các ao, hồ, lồng bè, bởi đây là loài thủy sản có các ưu điểm tốt như: sinh trưởng nhanh, dễ kiếm thức ăn, thị trường tiêu thụ phát triển mạnh, giá cả ổn định. Tuy nhiên, khi điều kiện nuôi không tốt, cá thường xuyên bị bệnh, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi. Một trong những bệnh phổ biến của cá rô phi là bệnh viêm ruột, đây là một bệnh nguy hiểm và có khả năng gây chết hàng loạt. Để không ảnh hưởng đến năng suất của cá thì bà con nên áp dụng những phương pháp phòng và trị bệnh viêm ruột cho cá sau đây.
Mục lục
Nguyên nhân và triệu chứng mắc bệnh
Đối với cá rô phi thương phẩm, hai bệnh nguy hiểm nhất và có thể gây chết hàng loạt; đó là bệnh xuất huyết và bệnh viêm ruột. Trong quá trình nuôi bà con nên tuân thủ đúng các nguyên tắc phòng và trị bệnh; đồng thời thực hiện chăm sóc ao nuôi theo quy trình kỹ thuật sẽ hạn chế tối đa dịch bệnh trên đàn cá.
* Triệu chứng bệnh viêm ruột: Bơi tách đàn, lờ đờ; da chuyển màu tối hơn (biểu hiện giống ở bệnh xuất huyết); Bụng chướng rất to và hộ môn sưng đỏ có dịch nhầy chảy ra; Khi giải phẫu, thấy ruột đầy hơi; Khi cá bị bệnh viêm ruột, hậu môn sưng đỏ và có nhiều chất nhờn.
* Nguyên nhân gây bệnh: Cá rô phi bị bệnh viêm ruột; là do cá bị nhiễm vi khuẩn Aeromonas hydrophila hoặc là do ăn phải thức ăn nấm mốc, quá hạn sử dụng.
Trị bệnh viêm ruột hiệu quả cho cá rô phi
– Cũng giống như khi trị bệnh xuất huyết, đối với cá bị bệnh viêm ruột; dùng kháng sinh như Doxycilne trộn với thức ăn để trị bệnh.
– Tuy nhiên để hiệu quả trị bệnh cao, cần cho cá ăn thêm một số chế phẩm sinh học; hoặc một số vitamin để nâng cao sức đề kháng. Hàng tháng, cho cá ăn thêm vitamin C, với liều lượng 30-50mg/100 kg cá. Hiện nay, trên thị trường có bán thuốc tiên đắc thành phần; chủ yếu là tỏi có hiệu quả rất tốt, có thể dùng cho cá.
Phòng bệnh viêm ruột cho cá
Vệ sinh ao trước khi nuôi cá: Tát cạn ao, bắt cá tạp; Vét bùn; Rắc vôi bột và phơi đáy ao. Dùng 7 – 10 kg vôi bột cho 100 m2 đáy ao.
Trong quá trình chăm sóc: Dùng vôi bột theo định kỳ. Khối lượng: 2 – 3 kg vôi té 100 m3 nước tùy thuộc độ pH của nước; Dùng chế phẩm sinh học để khử trùng nước ao nuôi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Ngoài ra, hàng tuần cần kiểm tra nước 1 lần, để xem mức độ tảo cũng như thức ăn tự nhiên trong ao, từ đó có cách điều chỉnh kịp thời. Màu nước ao thích hợp nuôi cá là màu nõn chuối.
Một số điều cần chú ý khi chữa bệnh cho cá
– Cá chết, cá yếu cần được vớt ngay ra khỏi ao, lồng.
– Không vứt cá chết bừa bãi ra sông, suối, trên mặt đất, cần phải chôn vào hố cách ly có rải vôi sống để tiệt trùng.
– Sau những trận mưa đầu mùa nên té nước vôi để trung hòa lượng axít có trong nước mưa với liều lượng 1,5 kg/100 m3 ao.
– Sau mỗi vụ nuôi nên thu hoạch triệt để, rồi cải tạo ao nuôi, không nên nuôi lưu năm này qua năm khác.
– Đối với những ao nuôi bị bệnh cần cải tạo kỹ bằng vôi bột 15 kg/100 m2 phơi nắng trong 7 ngày.