Trong những năm gần đây, phong trào nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả bề rộng và chiều sâu. Ngoài các đối tượng nuôi truyền thống như trắm, trôi, mè, hầu hết người nuôi đều chọn cá rô phi đơn tính làm đối tượng nuôi chính để tăng năng suất. Hiện nay, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ không khí cao tới 40oC, nhiệt độ nước mặt ao nuôi có lúc lên tới 36-38oC, vượt quá giới hạn nhiệt độ của cá. Bệnh liên cầu khuẩn trên cá rô phi có liên quan mật thiết đến nhiệt độ nước cao và chất lượng nước nuôi kém, bệnh xảy ra vào tháng 6 và tháng 7 trong mùa hè. Cùng tham khảo bài viết để học cách phòng và trị bệnh liên cầu khuẩn cho cá rô phi.
Mục lục
Các dấu hiệu khi cá bị nhiễm bệnh
Tác nhân gây bệnh chủ yếu là loài Streptococcus agalactiae; và loài Streptococcus iniae cũng gây chết nhưng tỷ lệ chết thấp hơn.
– Cá bị bệnh sẽ có biểu hiện bị hôn mê và mất phương hướng. Những tổn thương mắt có thể gặp như viêm mắt hoặc lồi mắt, chảy máu mắt. Tuy nhiên không phải con cá nào bị bệnh cũng bị những tổn thương về mắt.
– Những con cá bị nhiễm bệnh do vi khuẩn Streptococcus thường thấy những vết loét có đường kính từ 2-3mm; và những vết loét này nhanh chóng vỡ ra tạo thành những vết lở loét xuất huyết không lành. Những vết loét lớn hơn có thể gặp thấy ở vây ngực và phần đuôi của cá.
– Xuất huyết ở da
– Cá bỏ ăn
– Nhiễm trùng máu
– Viêm màng bụng
Sự phân bố và lan truyền của bệnh trên cá rô phi
Dịch bệnh thường xảy ra khi cá nuôi tiếp xúc với sự căng thẳng (stress); như nhiệt độ nước tăng, lượng oxy trong nước thấp dưới mức cho phép hoặc cá bị nuôi với mật độ cao trong thời gian dài.
Bệnh lây nhiễm cho cá ở mọi lứa tuổi, kích cỡ. Tuy nhiên cá có kích thước lớn (từ 100g đến cỡ thương phẩm) dễ bị mắc bệnh hơn.
Bệnh ở giai đoạn cấp tính với đỉnh điểm cá chết trong khoảng từ 2-3 tuần khi nhiệt độ nước cao.
Bệnh lây lan từ cá với cá và cũng có thể lây truyền từ môi trường đến cá.
Biện pháp phòng bệnh
– Nâng cao mực nước ao nuôi để ổn định nhiệt độ nước trong ao.
– Bổ sung oxy cho ao nuôi bằng cách đảo nước trong ao bằng máy bơm; hoặc bằng vòi phun để giải thoát các khí độc.
– Duy trì màu nước tốt cho ao nuôi là màu vỏ đậu xanh hoặc màu lá chuối non. Vì khi có màu nước tốt sẽ giúp ổn định được các yếu tố môi trường ao nuôi; như pH, Oxy hòa tan, NH3, H2S… không gây sốc cho cá.
– Xử lý môi trường ao nuôi bằng Vicato với liều lượng 1kg cho 2.000m3 nước. Lưu ý không dùng vôi vì khi dùng vôi pH tăng thì độc tố NH3 trong ao cũng tăng theo gây hại cho cá.
– Dùng một số cây thuốc nam như cây nghể răm; cây chuối chặt khúc cho xuống ao nuôi để xử lý nước ao và phòng bệnh cho cá.
– Định kỳ bổ sung Vitamin C bằng cách trộn vào thức ăn cho cá ăn với liều lượng 200 – 300g/100kg thức ăn.
– Định kỳ 15 ngày dùng các chế phẩm sinh học như Biobacter; Biopower tạt 1kg cho 8.000 – 10.000m3 nước ao nuôi sẽ xử lý nước đục, nước nhờn, váng nhớt; làm sạch nước, ổn định pH, khử mùi hôi thối, phân hủy nhanh xác động thực vật, thức ăn dư thừa, mùn bã hữu cơ
Kiểm soát bệnh và xử lý bệnh nhanh chóng
– Giảm cho ăn: Trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở giai đoạn cấp tính; nên giảm một phần thức ăn hoặc giảm hoàn toàn thức ăn có thể giúp kiểm soát và giảm tỷ lệ cá chết.
– Giảm mật độ nuôi:.
– Sử dụng máy quạt nước vào ban đêm cũng là cách làm giảm nhiệt độ nước và tăng lượng oxy.
– Điều trị bằng kháng sinh: Kháng sinh chỉ có thể điều trị bệnh ở giai đoạn sớm của bệnh (mới bị bệnh). Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp cho cá ăn kháng sinh không hiệu quả bởi cá bị nhiễm bệnh sẽ ăn giảm. Hơn nữa những người nuôi cá cho biết thuốc kháng sinh chỉ có thể làm giảm tỷ lệ cá chết trong thời gian sử dụng và khi thuốc kháng sinh đã hết thì tỷ lệ chết lại tăng trở lại.